Gái thích cách gọi “Giấc mơ Chapi” của Thanh hay cách gọi dễ thương “Đường đua tổng hợp nhiều thể loại xe và nhiều thể loại lê lết” của Hoàng Anh. Nhưng gái sẽ gọi đó là những ngày yêu thương kiên cường.
Gian nan có mặt ngay từ phút đầu tiên. Khi mà mọi người phải tất tả khiêng hàng nhét vào xe trong nỗi sợ công an tới hốt. Trò chơi đua với thời gian bắt đầu từ đấy.
Mười lăm tiếng trên xe (từ 6h chiều hôm trước đến 9h sáng hôm sau) từ Sài Gòn đến Daklei là đoạn đường êm ả nhất của chuyến đi. Khi mà mọi người được nằm, được ngủ, được đánh răng, và được ăn bún bò. Dĩ nhiên là được chia nhóm và phân công phần hàng hóa mình phụ trách.
Rồi gian nan kế tiếp ập đến. Khi mà phải chất hàng và người lên một xe tải chở gạch. Mất hơn cả tiếng đồng hồ để nhét hết hàng và nhồi hết người vào xe.
Đường đi xóc đến mức hàng rớt khỏi xe. Bể thùng sữa.
Đi được nửa đường thì lại phải chuyển hàng để thả gạch xuống. Phát hiện bể thêm một thùng sữa nữa. Thả gạch xuống rồi thì xếp hàng gọn gàng lại cho người leo lên đi tiếp.
Hạnh phúc chưa đầy năm phút thì...xịch. Có mùi khét bốc lên. Gái được gọi xuống xe hội ý với bác tài xe tải. Xe tuột côn. Buộc phải dùng xe tải nhỏ (chở xi-măng) đi 2 chuyến. Thế là lại chuyển hàng.
Chuyến 1: Áo quần, dép và hơn phân nửa số hàng đi trước. Đu trên núi hàng là Giang, Quang và Thanh. Thầy Tuấn chở gái bằng xe máy đi kèm theo. Ngồi đằng sau…lại ngủ gục. May mà thầy Tuấn chụp lại kịp. Hú hồn!
Chuyến 2: Mười lăm người cùng hàng hóa ôm nhau ân ái trên xe. Chi tiết chỉ có người trong cuộc mới biết =))
Luôn có rất nhiều tiếng cười. Nhưng cũng có cả nước mắt.
Nói về nhóm vào Ngọc Linh trước. Năm gái hai trai ôm đống hàng nhìn mấy đứa nhỏ từ 3h trưa đến 7h tối. Mà thật ra mấy đứa nó đã bắt đầu chờ từ hồi 2 giờ. Như ngồi trên trái sầu riêng, bảy người cứ đi ra đi vào, ngóng xa ngóng gần…
Tụi tui xếp đồ vào phòng tập kết hàng (một phòng học mượn của trường). Thấy tụi này sắp xếp hàng là bà con trật tự ngồi ngay ngắn chờ đợi. Chờ gần một tiếng chưa thấy phát là bắt đầu nhốn nháo. Tụi tui lại lôi đống hàng ra phân loại, lôi cái bao tải bên trái sang bên phải, lôi cái thùng bên phải sang bên trái. Bà con thấy hàng đang được xếp thì lại ngồi xuống chờ. Được thêm gần một tiếng nữa thì lại nhốn nháo. Tụi tui lôi hàng từ trong phòng ra ngoài hành lang. Bà con lại ngồi xuống. Được nửa tiếng thì lại xôn xao. Tụi tui lại lôi hàng từ hành lang xuống sân trường. Rồi khiêng bàn ghế ra. Rồi bày hàng lên. Rồi khiêng cái này qua bên trái, bê cái kia qua bên phải…
Trời tối dần, sương xuống nhanh. Lạnh. Rất lạnh.
Mỗi lần có ánh đèn xe là cả đám người lại ngóng cổ lên.
Những đứa nhỏ nhất bắt đầu khóc. Tụi nó ngồi bệt dưới đất, với bộ đồ mỏng tanh, đôi môi tím tái vì đói và lạnh…
…
“Xe. Xe tới rồi!”
“Ahhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh!” (gái nhảy cẫng lên sung sướng)
“Tuấn ơi, cho ổn định đi em, mình bắt đầu phát liền.”
“Đâu? Xe đâu?”
Báo động giả.
Tuấn an ủi gái “Coi như làm nháp đi chị, mình tập trước…”
…
Tiếng khóc của trẻ con nhiều hơn, to hơn. Chị Linh mắt đỏ hoe ứa nước, đến hỏi “Mình phát cái gì cho tụi nó ăn được không em? Hay phát mỗi đứa cái nón len đội lên cho đỡ lạnh…”
Gái lại đi ra chỗ đám nhỏ. Quay lưng lại thấy một bé đang run bần bật. Gái ẵm nó lên, ôm nó vào lòng, áp nó chặt vào cái áo len của mình, vậy mà xoa lưng mãi nó mới hết run. Gái thả nó xuống và ẵm lên một đứa khác… Tự nhủ lòng không phải lúc để ủy mị... mà mắt cứ nặng trịch…
Gái quyết định khui thùng kẹo. Nhờ các thầy cô giáo phát cho mỗi em 2 viên ăn tạm. Lôi luôn tất cả số mì gói dự định làm quà cám ơn ra, để phát kèm với sữa.
7h10’ xe cuối cùng cũng tới. Cả đoàn lao vào phát quà, đến cả nhìn mặt nhau cũng không có thời gian. Đó là hai tiếng đồng hồ mà mọi người chỉ biết cắm mặt vào hàng hóa mình phụ trách. Không biết có ai nhính được vài giây để nhớ tới cái đói, cái lạnh, cái mệt…
Nhưng những cái dáng bé xíu ôm túi quà ấy đã xua đi tất cả. Chúng tôi chợt trở thành những con người yếu đuối đầy mỏi mệt được những đôi mắt ấy sưởi ấm. Và bàn tay chúng tôi lại có thêm sức mạnh làm không ngừng…
Đêm lạnh. Trăng tròn. Những nụ cười đẹp lung linh.
(đang viết tiếp)
Cái năm 20 ấy năm gì…
3 years ago
1 comments:
trá hàng ghê, tưởng phần tiếp
Post a Comment