blast

Không cần phải có trí tuệ phi thường
để có thể sống một cuộc đời có ích thú vị.
[Trích của Cafe Sữa]

Đã chuyển sang nhà mới: www.joeyle.wordpress.com

Thursday, September 30, 2010

Từ giờ đến trước khi chết, mình sẽ cố viết nhiều hơn nữa.

Mình sợ là lúc đó mình sẽ không nhớ mình đã sống một cuộc đời thế nào. Nhưng nếu trước lúc đó vẫn có thứ nhắc mình nhớ mình đã làm gì trong bấy nhiêu năm tháng, mình chắc sẽ ra đi rất thanh thản.

Mình sợ là lúc đó mình sẽ cảm thấy buồn vì phải từ bỏ cõi đời. Nhưng nếu trước đó có thứ nhắc mình nhớ mình đã sống vui vẻ thế nào, mình chắc sẽ ra đi trong nụ cười.

Mình sợ là lúc đó chẳng còn ai buồn khóc mình. Nhưng nếu trước đó vẫn có thứ nhắc mình nhớ mình đã từng được yêu thương thế nào, mình chắc sẽ ra đi rất mãn nguyện.

Nếu may mắn có người ở cạnh mình lúc đó, mình lại sợ họ sẽ buồn vì phải xa mình mãi mãi. Nhưng nếu họ đọc được những gì mình đã viết, họ chắc sẽ biết mình yêu thương họ bất kể mình ở đời này hay đời sau. Họ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi nhận ra điều đó.

Còn mình, mình sẽ ra đi thật nhẹ nhàng.



[Chỉ là ghi thêm một điều vào danh sách những điều cần làm trước khi chết thôi mà cảm xúc ra cái mớ sến rện này hế hế]

Tuesday, September 28, 2010

Thiệt lòng là buồn ghê gớm. Dù bị chê đen thui xấu xí ốm nhách mặt mụn cũng buồn lắm nhưng cũng không buồn bằng những khi nghĩ đến chuyện này.

Sáng nay mua sẵn ổ bánh mì để lấy máu xong thì ăn sáng (kiểm tra sức khỏe định kỳ ở công ty). Vậy mà sau khi cho huyết xong thì không thấy ổ bánh mì đâu nữa. Đứng suy nghĩ gần năm phút cũng không nhớ ra đã để ổ bánh mì ở đâu. Chạy lên chạy xuống tất tả tìm, chạy cả ra xe bánh mì cũng không phải để quên ở đó. Rốt cuộc thì nó nằm trong túi áo khoác vắt trên ghế ngồi (!).

Đừng nói là ổ bánh mì ăn sáng. Máy ảnh còn lạc mất được, cho ai mượn, ai trả khi nào, trả xong để đâu không nhớ ra. Cả cái sổ hộ khẩu mà cũng làm mất tích, để một phen náo loạn lên rồi mới phát hiện ra mình cất nó trong cái hộp đựng bằng khen với sổ liên lạc. Luôn cả chìa khóa nhà, chìa khóa xe cũng để lạc đâu không nhớ, đến giờ vẫn chưa tìm ra…

Lúc nào cần cất để đồ đều tâm niệm để ở chỗ nào dễ nhớ nhất. Và hầu như lúc nào cũng không nhớ ra chỗ dễ nhớ nhất đó là ở đâu…

May mà đi làm thì cái gì cũng ghi vào sổ, ghim vào lịch, nếu không chắc bị đuổi việc sớm, có nước cạp đất mà ăn…

Đó giờ vẫn nghĩ ra rất nhiều điểm tốt của việc mau quên. Vì coi phim ma không bị ám ảnh, tối mới coi thì đêm đi ngủ đã quên sạch. Vì những giận hờn chỉ thoáng qua vài phút. Vì chuyện quá khứ không hiện lại để dằn vặt ai. Cả những tổn thương và đau lòng cũng bỏ qua được hết. Khi nhớ lại những tháng ngày đã qua hay nghĩ về một ai đó, chỉ còn những kí ức đẹp (!).

Nhưng mà…

Nhưng mà…

Mấy ai hiểu được một người trí nhớ kém cũng buồn về bản thân nhiều lắm.

Vẫn biết con người không ai hoàn thiện. Nhưng lẽ nào mắt nhìn đã kém, tai nghe càng tệ, cả trí nhớ cũng thế này… Lẽ nào mấy sợi dây trong đầu mình bị lỏng hết rồi…

Mai mốt mình già…chập dây cháy rụi hết…mình sẽ ra đến nông nỗi nào đây…



Hic, cứ buồn là lại thèm ăn và đi chơi là sao ta…

Monday, September 27, 2010

Tháng chín bắt đầu bằng dự định bay ra Bắc nhún nhảy mùa thu và ngắm ruộng bậc thang, mà thật ra là vì thèm những con đường đèo uốn lượn mây núi. Đến giữa tháng kế hoạch vỡ tan tành. Thế là đâm đầu vào các hoạt động lăng xăng. Rốt cuộc thành ra bươi lên cái giấc mộng xa xôi ngày nào…

Công nhận đi lăng xăng cũng mệt ghê. Tuần rồi bận đến nỗi áo quần dồn thành núi. Sáng nay dậy sớm giặt cái rổ đồ to tướng đó. Nhiều đến nỗi phải giặt thành hai đợt, nhiều đến nỗi không có đủ móc để phơi. Xong trò giặt giũ thì ngồi vào máy làm việc. Vừa làm vừa đọc vừa suy nghĩ. Lâu quá không dùng nhiều nội công vậy để tư duy nên … hậu quả là bị nhức đầu chỉ sau 2 tiếng đồng hồ tập trung. Quá đỗi ưu tư, bèn quăng máy tính sang bên, ngồi dựa tường nhìn ra ban công…lặt rau bồ ngót nấu canh…

Tự pha một ly sữa bồi dưỡng bản thân, chợt nhớ cảnh mấy đứa nhỏ cầm hộp sữa hút rột rột ngon lành…

Hay cảnh tụi nó lao nhao lấy ghế rồi ngồi ngay ngắn ngóng cổ về phía tivi

mặc kệ cái màn hình vẫn cứ xè xè đầy cát…


Trong đầu lại chờn vờn ý nghĩ sao mình vẫn chưa thể làm được gì nhiều hơn. Mình thật chỉ làm được đến thế này thôi sao?




Wake me up, wake me up when September ends…

Tuesday, September 21, 2010

Hôm qua lại có dịp nghe đàn anh đàn chị kể chuyện con cái. Nỗi bức xúc lại dâng trào.

Họ đua nhau khoe con cháu nhà mình thông minh. Đứa thì biết khóc la để đòi thứ nó muốn, “mà nó khôn lắm, nó biết nó khóc là nó được, bởi vậy nó muốn gì là nó khóc”. Đứa thì chưa giơ cây đánh đã chạy lại ôm chân bố, “bởi vậy đâu có đánh bao giờ”.

Những cảnh khóc thét vung tay đá chân vốn đã thấy nhan nhản khắp nơi. Chuyện con nhỏ đánh vào mặt bố mẹ khi không đòi được thứ nó muốn cũng không còn lạ. Còn chuyện bố mẹ gằng giọng trợn mắt bảo đứa con khoanh tay chào người lớn mà đứa nhỏ vẫn không thèm nghe thì nhiều như cơm bữa.

Bọn nhỏ thật sự rất thông minh. Mới tí tuổi đã biết đếm tiền và bấm nút điện thoại di động. Còn biết bắt điện thoại và hỏi “ai đó”. Bố mẹ vì thế rất tự hào, tự hào luôn về cách nuôi con của mình. Con nói lời trả treo thì khen con thông minh. Con nói lời hỗn hào thì cười trừ cho qua chuyện. Con ngã thì dậm chân đạp mặt đất, con va vào bàn ghế cũng lập tức đánh cái bàn cái ghế. Con không ăn thì chạy loắn quắn theo “con ăn đi mà, mẹ năn nỉ…”. Con không nghe lời thì dọa ma dọa quỷ, dọa ông kẹ, dọa mẹ mìn…

Thời bây giờ học sinh không còn tôn trọng giáo viên nữa. Bởi lẽ xảy ra chút chuyện là bố mẹ nó lên trường sỉ mặt cô giáo mà chửi sa sả, nhiều khi còn cố tính lớn tiếng trước mặt đứa nhỏ để trút giận thay nó… Những con người trí thức ấy quá bận rộn để dạy tụi nhỏ dùng hai tay đưa đồ vật nên phó mặc cho nhà trường; nhưng lại bày cho tụi nhỏ coi thường thầy cô giáo. Tụi nó liệu có bao giờ để lời thầy cô dạy trong lòng?

Họ bận rộn kiếm tiền cho con đi học trường xịn, đầu tư cho con học đàn học múa học võ học thể thao để con mình không thua chúng bạn và mình không thua các bố mẹ khác. Họ bận đến nỗi không nhận ra con mình nói chuyện không hề thưa gửi, đi về không chào người lớn, ăn cơm cũng không mời, không biết nói xin lỗi, không biết cách nói nhận lỗi, không ý thức lần sau không tái phạm. Và cứ phải chờ bố mẹ năn nỉ thì đứa nhỏ mới chịu nói cám ơn.

Phải chăng chính những đứa trẻ đó lớn lên thành những chàng trai cô gái quằn quại ngày nay. Chúng nó nói chuyện bốp chát bạo miệng trong khi cách đưa con dao cây kéo cho người đối diện cũng không biết. Chúng nó mua sắm và làm đẹp mỗi tuần nhưng không hề biết cách giặt cái giẻ. Chúng nó luôn biết điện thoại nào mới ra, bài hát nào đang thịnh hành, ca sĩ nào cặp với người mẫu nào mà không bao giờ trả lời được chỉ số cholesterol của bố hay mẹ mình. Chúng nó lăn lộn với những tình yêu đau khổ và mãi không hiểu tại sao nó đã khóc rất nhiều mà vẫn không được cái nó muốn như hồi xưa. Nó lại luôn than thở đời nó gặp nhiều xui rủi như thể tại mặt đất nằm ở đó làm nó té xuống.

Chợt thấy buồn khi nghĩ đến những đứa trẻ bị bỏ rơi chỉ vì không có ai nuôi. Nhưng nếu đã nuôi rồi thì sao không dạy dỗ cho nó nên người. Đối với chúng như vậy khác nào biến chúng thành những đứa trẻ mồ côi tâm hồn?!

Monday, September 20, 2010

Trung Thu, trong trí nhớ của tôi bé nhỏ, không có cảnh rước đèn và ngắm trăng. Bất chợt tôi nhận ra mình chưa bao giờ thích trung thu. Giống như tôi chưa bao giờ thích thằng hề hay ông già Noel. Tôi cũng chưa từng thử nghĩ tại sao nên tôi mặc kệ. Chỉ khi tôi đã lớn rồi thì mới bắt đầu để ý ra bọn trẻ con chơi trung thu khắp nơi. Hiển nhiên như là trẻ con nhất định phải được vui chơi rước đèn vào tết trung thu vậy. Tôi thu nạp điều đó như một kiến thức sách vở.

Năm 2006, lần đầu tiên tôi tham gia tổ chức chương trình trung thu cho mấy em nhỏ từ các trung tâm và nhà mở. Đó là trung thu đầu tiên có ý nghĩa trong đời tôi. Và tôi luôn thầm cám ơn người đã đem trung thu đó đến cho tôi.

Tôi đã từng nghĩ tôi sẽ làm thế mỗi năm. Không phải là làm cho nó hoành tráng hơn hay quy mô hơn, mà tôi muốn làm nó ngày càng hay hơn, vui hơn và ý nghĩa hơn. Tôi muốn chạm vào những nụ cười ngả nghiêng của bọn trẻ, những nụ cười xa hơn và xa hơn nữa.

Ước mơ đó đã không thành hiện thực. Tôi làm chương trình năm 2007 với nhiều sự tán dương hơn nhưng đi xa ước mơ hơn. Năm 2008 tôi làm người đứng ngoài cuộc dù vẫn đầy quan tâm. Và năm 2009 thì tôi đánh mất một trung thu của mình.

Năm nay, tôi quay trở lại tìm kiếm giấc mơ của mình. Tôi gặp lại những con người của ba bốn năm trước. Những con người vẫn luôn đầy lòng yêu thương và không mệt mỏi theo đuổi ước mơ của họ trong nhiều năm. Chúng tôi cùng nhau đi xa hơn, cười đùa trên cả những thiệt thòi và gian khó.

Địa hình khu vực khó khăn. Đội văn nghệ liên tục gặp sự cố khiến cả bọn phải đổi người đổi kịch bản loạn lên. Phần quà cho mấy đứa nhỏ eo hẹp thiếu thốn. Đến xin mấy cái bánh trung thu mà cũng bị từ chối, bảo rằng tổ chức ở thành phố thì bao nhiêu cũng cho, còn tổ chức ở dưới Cần Giờ thì không. Thiếu nhân lực, chúng tôi ngày nào cũng ở chỗ tụ họp đến tối mịt mới về. Ngày lên đường, trời lại mưa. Mưa làm con đường khó đi nay càng khổ ải hơn. Xe tải chở đồ của chúng tôi còn bị lún. Việc treo backdrop gặp khó khăn khiến các nam nhân phải trèo cây sau dãy nhà leo lên nóc trường. Thêm nhiều vất vả từ việc đi đường ống nước cho nhà vệ sinh và đi đường dây điện cho khu vực chính. Đội văn nghệ thì tiếp tục gặp sự cố với phần nhạc nền. Còn mây đen thì cứ bu trên đầu và mưa cứ rơi rồi ngừng, ngừng rồi lại rơi…

Nhưng chúng tôi tự hào đã xoay sở được. Dù phải mở túi quà ra nhiều lần, để bỏ thêm cái này cái nọ, nhưng lòng vẫn vui khi ngồi đếm cho đủ 8 món trong mỗi túi. Dư mấy bịch hạt điều, cả bọn hí hửng ngồi nhai chóp chép. Sau đó khi lên đến Cần Giờ vẫn còn mở túi ra tiếp để bỏ thêm quà vào mà không ai phàn nàn gì. Việc thiếu phần ăn trưa lại biến thành niềm vui chia nhau miếng xôi, một tay bốc từng miếng đút cho bốn năm miệng ăn. Chúng tôi rốt cuộc vẫn có một sân khấu hoành tráng, điện nước đầy đủ cho khu vực, đội văn nghệ hát chay nhưng các em vẫn hồ hởi thưởng thức, phần ăn cho các em ngon lành, túi quà cho các em nặng trịch…

Nhưng niềm vui không phải đến từ sự tự hào mà chính những ánh mắt ngày hôm qua tôi nhìn thấy đã đền bù tất cả. Những nụ cười nhỏ xíu ấy đẹp hơn mọi lời khen thưởng tán dương.



Tôi mong sao đây là sự bắt đầu mới cho ước mơ của tất cả chúng tôi – những bàn tay mà tôi thương yêu như yêu thương các nụ cười bé nhỏ của tôi vậy.

Monday, September 6, 2010

Hôm nay thứ hai đầu tuần nhưng mình không phải họp hành gì. Thành ra mình rảnh.

Thế là mình đi kiếm việc làm, đến 4 giờ 22 phút chiều thì mình có cái lịch thế này:
8/9: Họp lần cuối cho chương trình Operation Smiles Vietnam
10/9: Sáng đi thực địa cho chương trình trung thu, chiều họp BTC
13/9: Operation Smiles Vietnam – chương trình mang nụ cười cho các em bị hở hàm ếch
18/9: Trung thu cho các em ở Cần Giờ (địa điểm tổ chức là trường tiểu học Doi Lầu, Cần Giờ)
26/9: Tây Ninh đợt 1, chuyển gạo sữa và đưa tiền mua heo + thức ăn
8/10: Tây Ninh đợt 2, đưa đoàn mạnh thường quân xuống coi heo đã về chuồng
9-10/10: Hướng nghiệp Bến Tre (thuộc chương trình Hướng nghiệp miền Tây)

Đây gọi là sống.

Bù lại thì mai mình có họp, mốt mình cũng có họp, cái này thì gọi là làm việc.

Wednesday, September 1, 2010

Bây giờ hoàn toàn hết buồn. Lúc viết tới đây là 5 giờ 30 phút chiều. Lúc này thì gió đang thổi dịu dàng êm ái. Nhìn trời thấy trời dễ thương, nhìn mây thấy mây dễ thương, nói chung nhìn cái gì cũng thấy dễ thương.

Nhiều khi người ta nói mình khùng mình cũng chịu. Sáng sớm mới ủ rũ thê lương, chiều lại chỉ quay đầu một cái thôi đã hớn hở còn hơn trúng sổ độc đắc.

Cập nhật: Đã nhận đủ tiền để mua heo. Vẫn đang quyên tiếp để mua gạo mua sữa và những thứ cần thiết. Thiệt không biết cám ơn mọi người sao cho hết.


Nhưng mình biết có người còn vui mừng hơn mình nữa. Là cô Sương, là ông Năm bà Năm. Và dù tụi nhỏ không hiểu gì nhưng mình chắc là nó sẽ mừng như được tặng nguyên một tủ đầy kem bọc sô-cô-la có rắc đậu phộng mát lạnh và đủ loại hầm bà lằng mùi vị.

Tin mình đi. Nếu đã hiểu cảm giác này rồi thì thường không bao giờ dứt bỏ được. Cảm giác khi buồn thì nỗi buồn của mình chả là gì ghê gớm và sẽ chóng qua thôi, còn niềm vui thì luôn được nhân lên mấy chục lần như thể mình phải vui giùm luôn phần của mấy chục người vậy.

Ba năm. Ừ, chỉ mới 3 năm thôi. Từ ngày mình bắt đầu dự án đầu tiên là nâng nền căn nhà dưới Tây Ninh để tụi nhỏ qua được mùa lầy lụt. Rồi xây mới toilet, xây lại bếp, sơn lại tường, xây phòng riêng cho 2 bé bị khuyết tật nặng, thay toàn bộ nệm và gối mền, gắn thêm quạt, làm nền xi-măng khu vực phía ngoài để có chỗ cho tụi nhỏ ngồi ăn và vui chơi. Rồi đập bỏ cái nhà cũ trũng nước với cái gác sụp lên sụp xuống ở Lạc Long Quân và xây lại hoàn toàn mới. Rồi mua 2 con heo giống với 5 tháng thức ăn cho lứa đầu tiên này. Cứ thế mà hết chống ngập đến chống côn trùng. Rồi còn dây nhợ điện đóm các kiểu. Quay qua quay lại quay chóng hết mặt thành 3 năm. Dù không ôm tụi nhỏ vào lòng vuốt tóc hay chụp hình với tụi nó như bao người, nhưng mình chưa bao giờ chịu được nếu tụi nó không được ăn no. Ừ, chỉ 3 năm thôi mà biết bao chuyện xảy ra. Thiệt vất vả không biết kể từ đâu. Mình không hiểu cô Sương và ông bà Năm lấy đâu ra sức mạnh và ý chí để nuôi tụi nhỏ ngần ấy năm trời.

Đấy, hết cái lo này lại đến cái lo khác, cái lo này chưa qua cái lo khác đã đổ xuống…
Hôm nay rất là buồn. Lúc viết tới đây là trời cũng đổ mưa. Lúc này thì gió thổi dữ dội làm mưa nghiêng méo xẹo. Chỉ là mình không kịp phân biệt là nó nghiêng sang phải hay sang trái.

Hôm qua đang ăn cơm thì nhận điện thoại báo đàn heo dưới Tây Ninh chết sạch. Người ta tới phun thuốc ình xèo thế là hết. Ông bà Năm cứ tự trách vì không làm thịt lũ heo trước đó cho rồi. Bây giờ vừa không có thịt bán mà cũng không còn thịt ăn. Thế rồi cả ông lẫn bà lăn ra bệnh luôn. Người già người trẻ cứ thế thay nhau vào bệnh viện. Thiệt là rầu.

Người dân dưới quê khổ gì mà khổ quá. Mấy đứa sống ở thành phố như mình nghe thời sự heo tai xanh tai vàng gì đó lọt lỗ bên trái qua lỗ bên phải cũng đi mất. Nhưng bây giờ nó xảy ra thật với người bên cạnh mình mới thấu nỗi đau mất mát…

Hình như lâu lắm rồi mình không tham gia với các hội đoàn. Lâu rồi không đi thăm các trung tâm theo kiểu mang bánh kẹo đồ chơi tới. Ca hát nhảy múa ôm ấp hun hít chụp hình rồi về. Chả biết máu bị đông lạnh chỗ nào. Ba năm nay mình tới thăm chỗ nào cũng ngó trần nhìn sàn, rồi chui vô nhà vệ sinh coi, rồi toàn nói chuyện nuôi heo nuôi bò nuôi gà nuôi cá. Ngồi tính toán sửa cái này xây cái kia. Lại xin thêm tiền mua cái nệm gắn cái quạt. Thi thoảng lại phải quay lại vì nhận tin bị ngập, bị dột, bị trũng, bị thấm nước, bị kiến to làm tổ… Cái lũ kiến đó cắn mấy đứa nhỏ sưng hết người.

Mà rồi lần nào cũng may mắn được nhiều người giúp đỡ. Tháng sáu năm ngoái xin được tiền xây dựng đàn heo. Bắt đầu chỉ với 2 con. Mấy đứa nhỏ vừa được ăn thịt thiệt nhiều, đem bán lại còn được thêm tiền trang trải bao nhiêu thứ. Hầm phân heo còn đỡ được phần tiền gas. Mấy tháng đầu còn dùng tiền xin được để mua thức ăn cho lũ heo. Bán lứa đầu xong là tự xoay tròn được luôn. Thiệt vui không để đâu cho hết. Cứ thế hơn một năm rồi… Đàn heo đã đông đến 80 con. Nay chuồng trống trơn…

80 con heo chết đã đành. Còn hơn 40 đứa nhỏ thì làm sao. Mình lúc nào cũng mong tụi nó mỗi ngày đều có sữa uống. Không cần loại có nhiều DHA hay gì gì đó mà mấy chị trong công ty hay ngồi nghiên cứu rồi thay đổi liên tục vì sợ không đủ chất. Tụi nhỏ dưới đó cứ có sữa uống là mừng hết lớn rồi. Nhưng mà dĩ nhiên thực tế là tụi nó bữa có bữa không. Mà bữa không thì nhiều hơn bữa có. Thường thì người ta tới cho vài thùng, uống hết thì thôi. Hên xui. Bây giờ chắc là quá xui nên đồ ăn còn thiếu chứ đừng đòi hỏi tới sữa làm chi…

…(buồn quá viết không hết luôn, thôi lo đi xin tiền gầy lại đàn heo)
 

Copyright 2010 Gái Joey.

Theme by WordpressCenter.com.
Blogger Template by Beta Templates.