by Joey Le on Thursday, January 27, 2011 at 1:23pm
***
Năm ba đại học là thời gian quằn quại nhất của tui. Nhưng lại là khoảng thời gian làm việc học được nhiều điều nhất.
Tui chợt nhớ ra thêm là suốt thời gian lăn lộn đi làm bên ngoài, tui thường lấy tên gọi là Nhã và sinh năm 1982.
***
Tập 3: Người bán hàng dũng cảm
Mỗi ngày tui mặc áo đồng phục màu đỏ đô đạp xe đạp từ nhà lên Lê Lợi. Tui bán hàng cho một shop tên là Ninh Khương (bây giờ hình như đã có thêm những hai chi nhánh khác trong nội thành).
Tất cả đều là mặt hàng thêu tay. Chủ yếu là áo quần con nít. Một ít trang phục phụ nữ. Còn có khăn trải bàn, đế lót chén lót ly và khăn tay các loại. Còn lại là các loại túi đựng đồ trang điểm, túi đựng giày, túi đựng đồ lót, blah blah…
Tui học được rất rất nhiều điều và cũng làm được nhiều điều trong gần một năm đó.
Khách Tây là tui khoái nhất. Dễ tính và rất chịu mua đồ. Mua cho mình cả mấy trăm đô rồi mà còn cám ơn mình rối rít nữa.
Còn đụng khách Nhật thì oải vô cùng. Mấy chị ăn nói nhỏ nhẹ vô cùng, tung hàng ra xem cũng dịu dàng vô cùng, lựa đồ cũng lịch sự vô cùng. Nhưng mà đứng lâu vô cùng. Có lần gặp chị hay lắm. Chị đứng cả nửa tiếng đồng hồ, nhón tay vào tất cả các chồng đồ, lựa ra được cỡ 30 cái. Xong mất mười lăm phút để lọc ra 20 cái trong 30 cái đó. Rồi lại thêm mười lăm phút nữa để chọn ra 10 cái trong 20 cái kia. Rồi vừa chậc miệng suýt xoa vừa rải 10 cái ra để nhìn cho rõ. Sau mười phút, chị cầm lên được 5 cái trong 10 cái. Chị bắt đầu mân mê 5 món hàng, lật qua lật lại, lật tới lật lui, lật xuôi lật ngược, lật cho đủ mười phút thì thả xuống 3 cái, còn 2. Rồi chị chống nạnh, xắn tay áo, xỏ tay vào hết các chồng hàng, xới lên để tìm tất cả những cái nào có mẫu tương tự như 2 cái chị đã chọn. Tui đoán là mười phút sau đó chị thực hiện việc so sánh đường may, xác định cấp độ màu sắc hoặc chơi trò tìm điểm khác nhau. Cuối cùng thì mười phút sau chị cũng đem lại quầy được 2 món hàng. Một cái túi đựng đồ lót và một cái túi đựng đồ trang điểm.
Có lúc khổ thì cũng có lúc sướng. Nếu gặp khách Nga hoặc Ý hoặc Băng-La-Đét gì gì đó thì chỉ cần cười và bấm máy tính thôi. Dĩ nhiên vẫn có thể nói đủ thứ theo ý mình muốn, dù sao thì họ có hiểu hay không cũng nằm ngoài kiểm soát.
Nhưng cùng là không hiểu tiếng nhau, nhưng phải khách Tàu thì lại khác. Tàu thường đánh sỉ chứ không đánh lẻ. Tức là đi cả đám chứ không đi một hai người. Lần nọ, có một đoàn tiến vào tiệm. Người này sà sang bên này sờ hết các mặt vải, người kia nhào qua bên kia tung hết các món hàng nằm trên cùng. Số còn lại tấp vào dãy giữa, đứng ngả vào các chồng hàng, vừa nói vừa chống tay tì cả nách và hông vào hàng hóa. Rồi mặc dù cãi nhau cả buổi trời về món hàng (nào không rõ), khi khô cổ khát nước, họ quay lưng đẩy cửa ra đi không một lời kết luận.
Bởi mới nói, tui học được nhiều điều lắm. Cũng làm được nhiều thứ. Có lần còn thực hiện một hành động hy sinh đầy dũng cảm.
Chuyện là có một bác người Á vào tiệm. Chưa kịp xác định bác là người nước nào thì đột nhiên mặt bác đờ ra. Bác vội vàng đứng dựa vào chồng hàng. Không rõ bác có biết là bác đang hướng về phía mấy tấm khăn trải bàn xinh đẹp đang treo trên giá hay không. Mà bác cứ thế hắt xì mạnh mẽ không cần dùng tay che. Xong một cái bác lại lấy hơi cho cái kế tiếp. Cả tiệm bàng hoàng. Ai cũng đứng cứng chân trợn mắt ngó. Chỉ có tui là bình tĩnh nhìn xung quanh, nhưng tìm mãi không thấy thứ gì có thể che chắn. Vì thời gian cấp bách, tui đành bay lại chỗ mấy tấm trải bàn, dùng thân lấp lỗ châu mai. À không, dùng thân đỡ bọt nước miếng. Nếu trong dung dịch đó có kèm thứ gì khác thì tui cũng đã không kịp phân tích tới.
Sau vụ đó tui được tặng một cái áo đồng phục khác.
Dù sao đó cũng là một công việc tốt. Được đổi áo đồng phục thường xuyên. Nếu không phải vì tình cảnh bắt buộc thì tui cũng đã không bỏ nghề.
Cái năm 20 ấy năm gì…
3 years ago
0 comments:
Post a Comment