blast

Không cần phải có trí tuệ phi thường
để có thể sống một cuộc đời có ích thú vị.
[Trích của Cafe Sữa]

Đã chuyển sang nhà mới: www.joeyle.wordpress.com

Sunday, May 9, 2010

Friday July 6, 2007 - 11:56am

Mùi hương có lẽ không phải là cuốn sách xa lạ gì và những lời ca tụng nó cũng không hề ít ỏi gì. Tuy nhiên, tôi viết ra đây để chia sẻ xúc cảm với những người yêu thích nó và dành cho những ai muốn tìm một cuốn sách hay để đọc.

Đó thực sự là một tác phẩm tinh tế bậc nhất tôi từng biết. Tôi không chỉ choáng ngợp bởi kiến thức về mùi hương của Patrick Suskind mà quan trọng là tôi chết chìm trong thế giới mùi hương đó. Một tác phẩm hết sức uyên bác mà vẫn lôi cuốn lạ kì!

Ấn tượng của tôi về Mùi hương hết sức mạnh mẽ và khó quên. Tôi còn nhớ hôm đấy tôi quá căng thẳng với luận văn của tôi và quyết định lấy nó ra đọc cho khuây khỏa với ý nghĩ sẽ được nhiều hương thơm xoa dịu… Vượt ngoài “mong đợi” của tôi, tác phẩm bắt đầu bằng việc liệt kê một loạt những “mùi hôi” viết ra dài đến hơn một trang sách. Chỉ toàn “mùi hôi” với “mùi hôi” thôi! Nhưng quả thực là lúc đó tôi đã không thể rời cuốn sách được.

Nói một chút về phong cách, Patrick Suskind tả hiện thực hết sức sâu sát đến mức cái công việc sanh đẻ của mẹ Grenouille làm tôi rợn người như kiểu tả của Marquez (thứ lỗi nếu ai đó thích Marquez nhưng tôi thì tuyệt đối dị ứng giọng văn ông này) – nói thẳng ra tức là có cái gì có rất “con vật” – nhưng tôi không cảm thấy sự tàn bạo, hung hãn và đay nghiến trong đó… Tôi thích cách của Patrick Suskind hơn hẳn!

Còn nói về nhân vật chính thì thiệt tình là chưa có nhân vật chính nào lại đặc biệt như thế. Chưa có nhân vật chính nào lại “chính” như Grenouille của Patrick Suskind – câu chuyện như thể chỉ có độc nhất mỗi hắn, tuyệt đối không có ai khác. Hắn sinh ra nơi hôi hám nhất nhưng là người có thể tạo ra mùi hương tuyệt diệu nhất. Hắn xấu xí theo cái kiểu làm người ta ghê sợ chứ không phải như Quasimodo nhưng hắn lại là kẻ được ban cho “quyền lực” thống trị mọi mùi hương. Hắn mang quyền lực trên mọi mùi hương đó nhưng bản thân hắn thì không có bất cứ mùi gì. Hắn lấy cái sự không-có-mùi của hắn để phục vụ ý muốn riêng của mình nhưng chính hắn ghê sợ cái sự không-có-mùi đó hơn bất cứ thứ gì khác…

Câu chuyện kéo tôi đi trong những nghịch lý liên tu bất tận. Thật tình nếu ai đó bảo tôi tưng tưng cũng được nhưng tôi phải nói điều này: nếu ai không hiểu phép duy vật biện chứng là gì, ai không hiểu quy luật về mối liên hệ thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập của Marx mà vô tình cảm nhận được Mùi hương của Patrick Suskind thì tôi khẳng định người đó thông hiểu lý luận này của Marx rồi. Tôi đánh giá Patrick Suskind rất cao ở mặt này, cũng như Bernhard Schlink vậy, tác phẩm của họ thật sự cao siêu (ở một khía cạnh nào đó), uyên bác (ở một khía cạnh nào đó), nhân văn (ở một khía cạnh nào đó), triết lý (ở một khía cạnh nào đó) nhưng tuyệt nhiên không nhàm chán mà cuốn hút lạ kì.

Việc cảm nhận văn chương, với tôi, đơn giản là xúc cảm của bản thân dành cho nó chứ không phải tin rằng tác giả muốn nói thế này hay ý tác giả là thế kia. Tự tôi khâm phục Patrick Suskind vì thế giới mùi hương của ông tạo nên tưởng chừng là một thế giới khác – một thế giới trong tưởng tượng của ông – nhưng lại chính là thế giới của chúng ta với tất cả tình yêu lẫn sự ham muốn, sự thống khổ lẫn niềm hạnh phúc, sự tuyệt diệu lẫn tàn bạo, quyền lực lẫn sự sợ hãi hay bất cứ gì đang tồn tại… Dù tất cả không phải là mục đích viết của Patrick Suskind đi nữa thì tôi vẫn thích “Mùi hương” và những gì tôi nhận được từ nó sẽ không bao giờ thay đổi…

Joey

0 comments:

Post a Comment

 

Copyright 2010 Gái Joey.

Theme by WordpressCenter.com.
Blogger Template by Beta Templates.