Thursday June 28, 2007 - 10:01am
Tôi tìm được “Người đọc” một cách hết sức tình cờ. Cuốn sách có bìa màu đen, nhỏ và mỏng nằm lọt tõm giữa rừng sách. Tôi dừng ánh nhìn của mình lại đơn giản vì một câu hỏi chợt nảy ra trong đầu: “Người đọc” nghĩa là những người đọc sách như chúng ta hay là người đọc sách cho người khác nghe? Và dĩ nhiên còn vì một số lí do tình cờ nho nhỏ khác nữa, dù chẳng liên quan gì đến nhau mấy nhưng gộp hết lại thì tôi không ngại mua nó vì nó chỉ có 22k.
Điều đầu tiên tôi nhận thấy khi mới đọc là một giọng văn lạ. Nói lạ là vì tôi không biết dùng từ gì diễn tả. Giọng cứng, đặc biệt có những câu rất dài nhưng rất gắt. Ban đầu nó làm tôi có cảm giác hơi khó chịu và phải tập trung hơn khi đọc. Sau này vì thích nó mà đọc lại lần nữa, đọc cả lời mở đầu mới biết Bernhard Schlink là luật sư và bắt đầu sự nghiệp của mình bằng thể loại truyện trinh thám.
Thứ hai là kết cấu. Tôi mém nữa đã đổ quạu khi đọc hơn 50 trang đầu và chẳng thấy gì khác ngoài chuyện trai gái, mà lại là chuyện làm tình. Yêu nhau, nằm với nhau rồi cãi nhau, làm lành và lại nằm với nhau, có cả thơ chàng làm tặng nàng về những giây phút ân ái nữa. Thế đấy! Duy chỉ có một điều nhỏ làm tôi nấn ná: “nghi lễ” ở bên nhau của hai người này. Gặp nhau, đọc truyện, tắm, làm tình và nằm với nhau. Rồi tự nhiên câu chuyện như bị cắt gọn. Vào chính lúc Hannah bỏ đi. Giọng văn trở nên khó chịu hơn nữa, câu dài ra và gọn gắt một cách trần trụi. Tôi buộc phải đọc chậm hơn nữa và chậm đến mức bị nhấn chìm vào từ cái phiên tòa ấy lúc nào không hay.
Thứ ba là cách dẫn dắt. Riêng tôi, tôi bị câu chuyện kéo đi một cách kì lạ. Không hẳn là sức hút hấp dẫn, không hẳn là sự kịch tính và tuyệt nhiên không có gì lãng mạn cho đến khi phiên tòa ấy kết thúc. Nhưng sau cái phiên tòa ấy, bỗng dưng tất cả những điều ở đâu đó khắp câu chuyện đan vào nhau. Tôi không biết tả lối viết của ông thế nào nhưng nó làm tôi nhớ cách dẫn dắt câu chuyện của Guy de Maupassant. Câu chuyện được kể ra, dẫn đi, đan vào nhau, xiết lấy nhau thật chặt đến cao trào, song, nó không dừng lại ở đấy như cách của William Somerset Maugham mà như một nét vẽ khi vẽ đến đỉnh núi thì cứ cầm bút xoay quanh điểm ấy cho đến khi người đọc bị thôi miên thì câu chuyện tựa như đã kết thúc từ khi nào không hay…
Thứ tư, nội dung. Không nên nói nhiều phần này. Đọc rồi sẽ tự cảm nhận được giá trị của nó. Thậm chí nếu được thì đừng đọc cả phần mở đầu. Tự tác phẩm sẽ viết ra tất cả.
Thứ năm là ấn tượng. Là ấn tượng sau khi gấp sách lại. Là cái làm cho nhớ. Nó không chỉ là ấn tượng về một mối tình, một tình yêu khi nồng nhiệt của thời trai trẻ và khi không nói thành lời của cả quãng đời còn lại, về điều sâu kín trong lòng Hannah… Nó còn là niềm khao khát của ước mơ, sự khốn nạn của chiến tranh và số phận. Hay thậm chí chỉ là sự đau đớn đọng lại sau cuộc nói chuyện rất ngắn của chàng trai và ông lái xe…
Tôi chắc là tôi đã bỏ sót nhiều thứ mà theo tôi là vì tôi chưa đủ sức để phân tích một tác phẩm lớn thế này. Tôi chỉ có thể nói là nó đã làm tôi suy nghĩ nhiều. Thậm chí nó chả kém bất kì tác phẩm ca tụng chuyện tình dục nào đang bán chạy nhất thời bây giờ nhưng giá trị và tầm mức của nó hẳn phải vượt xa hàng trăm triệu cuốn sách.
Joey
Tái bút: Tôi đồ rằng “Người đọc” khiến tôi tâm đắc thế này phần lớn là do tôi đọc nó ngay sau khi đọc “Rừng NaUy”, như là tìm được ánh sáng cuối đường hầm đen tối =))
Cái năm 20 ấy năm gì…
3 years ago
0 comments:
Post a Comment