Sunday February 15, 2009
Sách có cả bản tiếng Anh và tiếng Việt:
- Fountainhead – Suối Nguồn (Ayn Rand): Tâm đắc – Cuốn sách của năm. Đứng thứ hai sau The little Prince trong bảng xếp hạng cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều cảm xúc khi nghĩ về cuốn này nên chưa viết về nó được. Vậy là hai cuốn mình tâm đắc nhất đến giờ thì mình vẫn chưa viết gì được.
- Perfume (Patrick Suskind): Rất hay. Đọc lại bằng bản tiếng Anh vẫn thấy rất hay. Tiếc là không biết đọc tiếng Đức để thưởng thức nguyên tác. Thêm một nhận xét nhỏ là “Perfume” vẫn là cái tựa chính xác hơn cho truyện, bản tiếng Việt là “Mùi hương” thì có cảm giác vẫn chưa đủ.
Sách tiếng Anh:
- Beloved (Toni Morrison): Theo đánh giá của cá nhân là chán phèo. Bản dịch tiếng Việt của truyện này là “Thương”. May mà mình không mua.
- Twilight (Stephenie Meyer): Truyện tình cảm có yếu tố ma cà rồng. Đọc khá được. Không sến và cũng không nham nhở kiểu teen bây giờ. Nhân vật nam chính hơi bị được (hehe). Có bản tiếng Việt nhưng suy cho cùng thì truyện này chỉ đủ hấp dẫn để đọc một lần nên thôi không mua bản tiếng Việt đọc lại làm chi. Khuyến cáo thêm là có nhiều lời đồn rằng càng về sau càng lê thê và chán. Chưa biết hư thực ra sao.
- The Art of Possibility (Rosamund Stone Zander and Benjamin Zander): Dễ hiểu, dễ đọc. Nhiều lúc rơi vào trạng thái nhàm chán do diễn giải một vấn đề quá dài dòng trong khi đã có thể hiểu chỉ trong 1-2 đoạn (kiểu như cuốn Influencer).
- What color is your parachute 2009 (Richard Nelson Bolles): Sách hay, giao diện đẹp, minh họa khoa học. Sách bổ sung kiến thức ngành mình đang làm.
- What got you here won’t get you there (Marshall Goldsmith with Mark Reiter): Khá hữu ích với một số bài học. Dành cho những người đã đi làm, nhất là những người đi làm nhiều năm rồi. Tuy nhiên, mình mới đi làm chưa lâu và cũng chưa gặp khó khăn gì mấy ở nơi làm việc. Có cảm giác chưa thẩm thấu được hết cuốn này và đọc nó cũng khá nhanh.
- Egonomics (David Marcum and Steven Smith): Cũng rất hay ho. Dành cho những người đã đi làm, đặc biệt là những người đã có sự thăng tiến hoặc thành công nhất định. Mình cũng nghĩ mình chưa thấm hết được cuốn này. Chắc tại mình chưa làm sếp lớn hoặc là nhân vật có ảnh hưởng quan trọng đối với công ty.
- Strengthsfinder 2.0: Hay. Đáng đọc để biết. Dạng personality identify này có vẻ là hơi nhàm chán lắm rồi nhưng cuốn này thì đúng hay. Có điều cuốn này thì không mượn đọc được. Ai chưa biết về nó thì có thể hỏi bác Google.
Sách tiếng Việt:
- Điệp viên của Chúa (Juan Gomez Jurado): Tạm được. Thể loại trinh thám giết người. Không đến nỗi quá chán nên có thể đọc một lèo từ đầu đến cuối.
- Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami): Cố gắng cho mình thêm một cơ hội với bác Murakami nhưng vẫn thất bại. Mình không hợp với bác này. Mặc dù so ra thì cuốn này cũng có chút khác lạ so với những cuốn kia của bác. Một số hình ảnh trong truyện khá hay. Chấp nhận được, nếu so với Rừng NaUy.
- Nhạc đời may rủi (Paul Auster): Nội dung tạm được nhưng lối hành văn và dẫn truyện thì chán. Mua cuốn này vì do Trịnh Lữ dịch. Hoặc có lẽ kì vọng hơi quá nên thất vọng.
- Người trong bóng tối (Paul Auster): Mình không ham bác này nhưng lại vẫn mua vì lại do Trịnh Lữ dịch. Hơn nửa cuốn khá được. Là lạ, đủ để không buông sách xuống. Nhưng đoạn sau dở dần và gần đến đoạn kết thì vô duyên thành ra nhạt nhẽo đến cuối truyện luôn. Hố hàng. Từ nay chắc không đọc của bác này nữa.
- Điệp viên hoàn hảo (Larry Berman): Đáng đọc. Nên đọc. Có một số đoạn liên quan đến chính trị nhiều quá nên mình ngu ra, ù ù cạc cạc. Nhiều tình tiết diễn biến đan xen nhiều bên nhiều phía trước sau tán loạn nên mình cũng ngơ ngơ, tư duy không kịp nên bị rối loạn chút. Song, nhìn chung lại thì hay. Tại mình hơi chậm thôi.
- Cõi người ta (Saint Exupery): Tác phẩm thứ ba của Saint Exupery mà mình đọc. Không thể sánh với “Hoàng tử bé” được. Nhưng người ta cũng chỉ cần một tác phẩm để đời thôi chứ cần gì nhiều.
- Pháo đài trắng (Orhan Pamuk): Tạm được. Nội dung hay, ý tưởng lạ. Khúc đầu hơi ề à, khúc giữa hay hơn chút, đoạn cuối đoán được nên hơi chán. Phần do cách hành văn và dẫn truyện nhàm quá. Chú thích là vẫn chưa đọc 2 tác phẩm kia của bác này là Tên tôi là Đỏ và Tuyết.
- Không lấm máu (Alessandro Baricco): Riêng mình thì thấy hay hơn “Lụa”. Có lẽ do nội dung hấp dẫn mình hơn câu chuyện của “Lụa”. Chấp nhận được.
- Xạ thủ nằm bắn (J.P. Manchette): Cái này đọc lúc mình học lớp 9 thì chắc thấy hay. Bây giờ thì thà xem phim hành động còn hơn.
- Người anh em sói (Michelle Paver): Thử lại với thể loại kiểu kiểu “Biên niên sử bóng tối cổ đại” nhưng cũng không mấy thành công. Có vẻ là mình hết thích loại này rồi.
- Tuyết (Maxence Fermine): Dở tệ. Vô duyên hết chỗ nói. Đúng là mình không hợp tư tưởng Nhật.
- Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh): Dễ thương. Khỏi quảng cáo, chắc hầu hết mọi người đều đã đọc.
- Đừng nói một ai (Harlan Coben): Thể loại trinh thám hành động gay cấn hồi hộp. Nhưng thật ra thấy cũng thường. Đủ để đọc qua ngày nếu không có gì đọc. Chẳng qua là đọc xong thì không có gì đọng lại trong đầu hết. Đúng truyện giải trí, đọc như xem phim giải trí.
- Độc hành (Peter Behrens): Được. Không thể nói là xuất sắc nhưng có một số đoạn trong truyện rất gây cảm xúc. Lối dẫn truyện và hành văn không có gì đặc biệt nên không thật sự cuốn hút. Chỉ là để lại được một số hình ảnh và câu nói sau khi gấp sách lại.
- Cha và Con (Cormac McCarthy): Hay. Nội dung lạ và nhiều ý nghĩa. Xây dựng hình tượng nhân vật khá. Đoạn kết không được như mong đợi nên vẫn chưa thể xem là xuất sắc.
- Điều chắc chắn (Madeleine Thien): Khá được. Nội dung có vẻ cũng rất bình thường nhưng cách gợi lên những trăn trở lại rất khéo. Những băn khoăn rất thật sẽ khiến những ai đã từng ở trong cùng hoàn cảnh cảm thấy thật gần. Ghi chú thêm là có cảm giác tác phẩm chưa được dịch tốt lắm vì nhiều chỗ tạo nên sự nhàm chán rất gượng gạo, cảm giác vậy. Nếu có cơ hội đọc nguyên tác thì sẽ đọc xem sao.
- Giết con chim nhại (Harper Lee): Đọc lại vì hầu như đã quên gần hết. Vẫn thấy nó không tệ. Thật sự đây là một cuốn sách hay. Tuy nhiên, có vẻ là mình đã chán phải đọc truyện kể khổ, nhất là về thân phận người da đen (mà thân phận nào đi nữa cũng vậy). Mình cảm giác rằng truyện dù có cố gắng vẽ lên những điều tốt đẹp hơn cho nhân vật nhưng vẫn chỉ dừng lại ở nơi nào đó. Mà nơi đó vẫn chưa cho ta được cảm giác đẹp đẽ.
- Cửa hành dành cho những kẻ ngán sống (Jean Teule): Rất lạ. Ý tưởng quái quái đủ để giữ người đọc lật sách. Nhiều chi tiết mô tả hay. Song cũng có nhiều đoạn viết lằng nhằng quá. Diễn biến tâm lý và sự thay đổi của các nhân vật trong truyện là có thể đoán được nhưng cách truyện dẫn dắt lại hơi chán. Chả biết có phải dụng ý của tác giả hay không mà chính cái việc câu chuyện trở nên đều đều và dễ biết đó lại làm mình chưng hửng vì cái kết thúc “cụt nghẻo”. Kết thúc không vô duyên nhưng làm mình như bị hụt vì không nghĩ đến điều đó, chưa từng nghĩ đến điều đó trong suốt câu chuyện. Vậy thôi cũng thấy là nó cũng đáng để đọc rồi, dù chẳng phải hay ho xuất sắc gì lắm.
- Chỉ tại con chim bồ câu (Patrick Suskind): Truyện hay. Cực ngắn. Nói mắc cười thì không chính xác lắm nhưng có cái dí dỏm rất nhẹ rất khéo rất dịu. Vẫn đúng kiểu văn học Đức, triết lý và thâm thúy...
- Bắt trẻ đồng xanh (J.D.Salinger): Đang đọc. Giọng văn không dễ thương chút nào nhưng truyện dễ thương.
Còn một vài cuốn nữa (Truyện kể Do Thái, Bí mật dầu lửa, Mưa mặt nạ, Lý Lan 8 Harry Potter, Người vô tội, v.v...), nhưng một là do bài viết dài quá rồi, hai là mình không ấn tượng gì về nó thì chắc là nó chán lắm, khỏi kể chi mất công. Hiện những sách đang chờ đọc là: Người chậm, Di sản của Eszter và Người thầy (update là đã đọc xong!)
Vẫn đang tìm mua: Bố đã từng yêu, Nhật ký bí mật của Chúa, Một cái chết rất dịu dàng, Đi tìm sự thật biết cười, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, The book thief, Từ điển Khazar (update là đã đọc Bố đã từng yêu, Một cái chết rất dịu dàng, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, đang đọc The Book Thief, còn lại vẫn chưa tìm ra hichic)
Đã tìm được Nghệ nhân và Magarita bản dịch mà danh từ riêng không bị phiên âm, có điều là trên mạng nên phải in ra đem về đọc. (update là lười quá nên vẫn chưa đọc)
Dự định lôi ra đọc lại Mặt trời nhà Scorta. (chưa làm được)
Những sách đã ngăm nghe nhưng chưa mua: Người đua diều, Khoảng trời mênh mông, Bay đêm (vẫn chưa mua)
Ai có Những kẻ thiện tâm thì cho mượn đọc thử với , tại không có ý định mua nhưng vẫn muốn đọc cho biết . (chưa đọc)
Dạo này sách tràn ngập mà sách hay thật sự không bao nhiêu. Nếu có thời gian sẽ viết một bài đúc kết về xu hướng đọc sách của mình .
Cái năm 20 ấy năm gì…
3 years ago
5 comments:
Murakami thì xuất sắc thôi rồi ở Kafka với Phía tây mặt trời; Rừng Nauy là phát súng đầu tiên; các quyển khác giống như bài tập viết. Một đỉnh cao khác có thể thích thú Raymond Carver. Hoặc đỉnh cao của đỉnh cao: Hemingway he he
Orhan thì khỏi nói thôi rồi, bên nhà bác kia đầy :D cho tui mượn Nhạc đời may rủi, tui cho mượn lại Istanbul của thiên tài mơ ngày :D
còn mà cõi đời ô trọc quá thì quay lại làm trẻ con: tituef - bọn con gái thật là chán chết/ sao lại là tao. cá nhân tui thì có, nhưng mà khuyến khích mua, để thấy lòng người dối trá he he
Thật, Kafka là cuốn tui thấy hay nhất của Murakami.
Hôm nào gặp đem Istabul mượn đọc thử, tui đem Nhạc đời may rủi cho. Phải thử lại xem khả năng cảm nhận của mình có tăng lên chưa mà mãi chưa "cảm" được Orhan thế này :)
À, cái Tituef thì kể về bọn con gái dữ quá nên dù có mở ra xem vài lần nhưng vẫn chưa mua. Có không cho mượn luôn đi ;))
sao lại là tao: nhộn hơn, hóm hơn, mà cũng trung tính hơn, nhưng dứt khoát không pêđê.
Istanbul thì vừa sẵn sàng vừa khuyến khích chứ tituef thì dứt khoát là không cho mượn. mua đi, ủng hộ nền công nghệ xuất bản của nước nhà chứ.
Chưi ác quá. Người ta cần tiền mua sữa, mua chong chóng, hông có tiền mua Kindle nữa, làm sao mua Tituef bây giờ huhuhu
Post a Comment