Sunday June 24, 2007 - 11:53pm
Thật sự khó mà bắt đầu khi viết về sách mặc dù nó là một trong những đam mê mạnh mẽ của tôi. Tôi nhớ mình say con chữ từ những năm cuối cấp hai và vẫn gục đầu vào nó cho đến khi vào đại học. Xưa đó là thời của những tác phẩm kinh điển, truyện trinh thám, truyện kinh dị và những bộ kiếm hiệp. Còn bây giờ thì tôi không xác định được mình thích đọc thể loại nào nữa, có lẽ tôi trở nên khó tính lắm rồi… Nhưng không phải vì vậy mà tôi nghĩ mãi không viết xong một bài. Viết cảm nhận về một cuốn sách khó hơn nhiều so với việc tóm tắt nội dung như công việc người ta vẫn hay làm là giới thiệu sách ấy. Bởi lẽ cảm xúc mỗi người mỗi khác mà mỗi lúc cũng lại mỗi khác. Có thể ở một thời điểm khác, tôi sẽ không thích cuốn sách này mà thích cuốn sách kia hay chậm một khắc thôi tôi sẽ tâm đắc nó hơn bất kì cuốn nào khác. Cho nên tôi sợ sẽ làm một ai đó tìm đọc cuốn sách tôi kể và rồi thất vọng vì nó không làm họ ưng ý. Như vậy tôi có lỗi với nó lắm mà cũng có lỗi với cảm xúc của mình lắm…
Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ viết.
Thế mà cuốn sách làm tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ chỉ dày 180 trang khổ 13x20 (cm) với cái bìa màu đen sì có hai chữ “Người đọc”. Tôi sẽ nói về nó sau. Vì tôi muốn bắt đầu thật tử tế để giải thích cho việc tôi đưa cuốn “Người đọc” làm tác phẩm được nhắc đến đầu tiên.
Sách bây giờ khắp nơi và tôi đôi khi tự e ngại rằng việc chọn sách thôi cũng có thể khiến người ta đau đầu. Ấy thế mà thị hiếu của số đông lại không mất nhiều tâm sức cho lắm mà đổ dồn sự mến mộ của họ một cách hết sức mạnh mẽ về những tác phẩm “kiểu Rừng NaUy”. Họ nói gì nhỉ? Họ đã khen ngợi phong cách táo bạo độc đáo, giọng văn phóng khoáng, nội dung sâu sắc và nhiều điều khác nữa.
Với nhiều người, một cuốn sách khiến họ đọc liên tục không rời mắt được xem là minh chứng hùng hồn cho sức thu hút và giá trị nghệ thuật của nó. Với một số người khác, một cuốn sách khiến họ phải nghĩ về nó, dù là ý nghĩ phê bình hay bất mãn, cũng là một điểm thành công của tác phẩm, bởi lẽ nó đã được nhớ đến. Còn tôi, tôi đã đọc “Rừng Na Uy” chỉ trong một đêm rồi đánh một giấc đến sáng mà chẳng biết là mình đã mua nó về chưa…
Nó đại diện cho một loạt sáchđang được tung ra với nhiều lời giới thiệu và bình luận sôi nổi. “Phía Tây mặt trời, phía Nam biên giới”, “Hạt cơ bản” và chắc chắn là còn nữa mà tôi không biết tới. Tôi tự hỏi đó phải chăng là phong cách văn học trong bối cảnh toàn cầu hóa?! Người ra trải bằng mọi thứ trên một “thế giới phẳng” và trải luôn cả chuyện chăn gối lên con chữ. Tôi là một con người sùng bái chữ viết nhưng không vì vậy mà tôi mù quáng coi nó là phương tiện phục vụ tất cả sự việc trên đời. Nếu ai đó hiểu được ý nghĩa của một ánh mắt hay nụ cười trong một khoảnh khắc nào đó có giá trị hơn lời nói thế nào thì hẳn sẽ hiểu được khoảnh khắc chăn gối vốn là “ngôn ngữ của cơ thể”. Việc phô diễn những giây phút và hành động này bằng con chữ thiết nghĩ là vì mục đích phục vụ cho nội dung tác phẩm chứ không phải để kể lể chuyện lên giường như thể diễn xuôi thành chữ một thước phim tình dục (mà thực sự có làm được điều đó chăng?!). Nói thẳng tuột ra, nếu không phải là tài liệu giáo dục giới tính thì viết ra một mớ chữ mà không có nội dung ý nghĩa gì ngoài việc liệt kê “công tác làm tình” (chứ không thể nói là chuyện chăn gối vì họ cũng chả cần giường hay chiếu gì nữa!) rồi gọi là sách thì thật là thô thiển.
Liệt kê chán thì chuyển sang đả kích các hành động hiếp dâm hay bạo lực tình dục mà tôi cũng vất vả “xem qua cho biết”. Những cuốn như “Người tù bé nhỏ” hay “Cô gái chơi dương cầm”... Chẳng biết thể loại này được đánh giá là đậm tính nhân văn, đầy chất hiện thực hay chói ngời tính sáng tạo (so với thể loại trước)… vì rõ ràng là cái việc đang được nói đến nãy giờ hiện ra trong tác phẩm với sắc thái mạnh mẽ hơn, bạo lực hơn, quằn quại hơn và…dơ hơn(!). Thật tình nếu còn có kiểu nào khác nữa thì tôi chịu không thể theo được, dù chỉ là ngó qua cho biết với thiên hạ thì tôi cũng không muốn làm buồn lòng những con chữ mà tôi yêu thương thêm chút nào nữa…
Tạm như thế để ít nhất những ai đang đọc biết rằng: nếu bạn thích thể loại sách này thì mừng cho bạn sẽ không phải đọc những bài tiếp vì hẳn là bạn khó mà chịu được gu đọc sách của tôi.
[chưa tìm được hình minh họa ưng ý]
Cái năm 20 ấy năm gì…
3 years ago
2 comments:
đọc sách best-sellers là một bắt đầu tốt; một phép thử cho thấy người ta có thể thuộc về đám đông; hay không. he he
Hạnh phúc không cần đám đông. Tui vẫn đang hạnh phúc hê hê
Post a Comment